Bước khởi đầu cơ bản của một nhà sản xuất bao gồm việc chuẩn bị nhà xưởng, kho bãi, máy móc, điện nước, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực và phương tiện vận chuyển hàng hóa nếu cần. Tất nhiên để sản xuất công khai hợp pháp thì không thể không có giấy phép hoạt động và mỗi nhà sản xuất đều có ý tưởng hoặc đã hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh cụ thể rõ ràng trước đó. Sau khi đã chuẩn bị các bước cơ bản trên thì việc tập trung vào sản xuất ra hoàng hóa không còn mấy khó khăn mà điều đáng sợ nhất lúc này là việc tiêu thụ hàng hóa và vốn lưu động. Việc tìm kiếm các đại lý phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là yếu tố quan trọng nhất để nhà sản xuất có thể tồn tại & phát triển về sau. Thế nhưng để cạnh tranh & tiêu thụ được nhiều sản phẩm làm ra thì các nhà sản xuất phải tìm cách nâng cao chât lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã màu sắc, giảm giá thành và tạo được thương hiệu mạnh.
Thương trường là chiến trường cho nên sự cạnh tranh gay gắt là điều không xa lạ gì giữa những nhà sản xuất cùng mặt hàng và giữa các đại lý cung cấp cùng sản phẩm. Thông thường một nhà sản xuất khi làm ra một lượng hàng hóa nhất định thì sẽ tìm cách tiêu thụ để thu hồi vốn và giải phóng mặt bằng mới có thể tiếp tục sản xuất. Việc tìm kiếm và liên kết với các đại lý bán hàng giúp cho sản phẩm làm ra được tiêu thụ liên tục, nhanh chóng và vươn xa hơn, chính vì lẽ đó mà các nhà sản xuất uy tín có tư duy chiến lược rõ ràng thường có những cam kết và chính sách hỗ trợ cho đại lý bán hàng của họ. Điều này giúp cho các đại lý được bảo vệ và an tâm giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng, sẽ làm tăng uy tín, lượng hàng tiêu thụ lẫn thương hiệu của nhà sản xuất lên đáng kể. 
Điều đáng tiếc là hiện nay rất nhiều nhà sản xuất trong nước lại muốn tranh giành khách hàng với chính các đại lý của họ. Các nhà sản xuất kiểu này đa phần là các tổ hợp sản xuất nhỏ lẻ kiểu mì ăn liền, và đôi khi chuyện này vẫn có xảy ra tương tự với một vài nhà máy lớn có thương hiệu hẵn hoi. Hình thức cạnh tranh với đại lý của những nhà sản xuất này chủ yếu là bán phá giá, bán trực tiếp cho khách hàng với giá rẻ bằng hoặc rẻ hơn giá bán cho đại lý, ngoài ra họ còn tìm cách liên lạc móc nối trực tiếp với khách nhằm mục đích chiếm luôn khách hàng tiềm năng từ tay đại lý sau khi cung cấp xong công trình hoặc một phần công trình. Tất nhiên trừ những trường hợp đặc biệt hoặc là khách hàng có quen biết với đại lý, còn lại đa số người mua hàng đều có tâm lý muốn mua trực tiếp với giá rẻ hơn nếu có cơ hội. Những nhà sản xuất này không hiểu rằng cái họ tìm được trước mắt không nhiều nhưng hậu quả của nó sẽ dẫn đến những mất mát tổn thất khó gỡ lại về sau. 
NĐH. |